Nhiều ca sĩ được công chúng biết đến với những dòng nhạc khác đã 'xoay dòng', thực hiện những sản phẩm âm nhạc bolero.
Khán giả đón nhận
Ca sĩ Lan Anh, một tên tuổi của dòng nhạc chính thống, vừa ra mắt album bolero thứ 2 có tên Con đường xưa em đi. Chị cũng đang lên kế hoạch ra mắt album bolero thứ 3. Album Con đường xưa em đi vừa được phát hành hôm trước, hôm sau nữ ca sĩ đã hoàn vốn. Nữ ca sĩ nói chị không đặt nặng vấn đề lợi nhuận nhưng rõ ràng, chị thấy mình “lợi cả đôi đường”, không những về mặt kinh tế mà cả về mặt giọng hát cũng đến với nhiều người nghe.
Trước đây, khi Lan Anh hát chơi vài bài bolero và đưa lên Facebook, những đồng nghiệp thân thiết, trong đó có “tam ca nhạc đỏ” Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn đã ủng hộ và khen nữ ca sĩ hát bolero rất hợp. Lan Anh nói trong 3 năm đầu khi học tại trường nhạc, chị toàn hát nhạc trẻ, nhạc trữ tình, bolero khi đi biểu diễn. Sau đó, chị mới bước sang thính phòng và may mắn được biết đến với dòng nhạc này.
Cùng với ca sĩ Lan Anh, giọng hát được đông đảo công chúng yêu mến cùng những ca khúc nhạc đỏ là Trọng Tấn đã không ít lần thể hiện ca khúc bolero trên sân khấu. Bên cạnh đó, phải kể đến nhiều nghệ sĩ tên tuổi ở những dòng nhạc khác không đứng ngoài “cuộc chơi” cùng bolero như Hà Trần với album Tình ca qua thế kỷ, Đức Tuấn với album Trọn một kiếp yêu, hay 4 chàng trai trẻ của nhóm OPlus với album Như mưa ngày nào…
Không phải không có những ý kiến trái chiều về việc “xoay dòng” với bolero của nhiều nghệ sĩ. Nhóm OPlus từng bị nói “ca sĩ trẻ mà ăn mày dĩ vãng”. “Khi âm nhạc đã được người Việt Nam tạo ra thì dù thể loại âm nhạc đó được sinh ra hay phát triển ở giai đoạn nào, những con người ở hiện tại vẫn có thể cảm nhận”, ca sĩ Quang Minh, trưởng nhóm OPlus, lý giải về việc nhóm quyết định thực hiện album nhạc xưa. Còn ca sĩ Lan Anh cho hay việc hát và làm đĩa bolero khi đã thành công với nhạc chính thống là bởi “mọi người đón nhận việc tôi hát bolero và tôi có thể hát tốt dòng nhạc này”.
“Việc có những sản phẩm âm nhạc bolero của các nghệ sĩ ở nhiều dòng nhạc khác nhau tạo nên sự phong phú cho đời sống văn nghệ. Thực tế, mỗi nghệ sĩ có sở trường riêng và khi đã quá quen thuộc với dòng nhạc nào đấy, họ làm sản phẩm với dòng nhạc khác như bolero sẽ mang đến những món ăn tinh thần mới cho khán giả của họ. Với nghệ sĩ, việc làm mới hay phá cách với chính bản thân mình cũng là cần thiết”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận.
|
Cần cái riêng của nghệ sĩ
Nhìn về hiện tượng trong nhiều trường hợp, album bolero bán chạy hơn sản phẩm ở dòng nhạc khác của nghệ sĩ, ông Nguyễn Quang Long cho rằng: “Mỗi dòng nhạc có màu sắc khác nhau nên không thể so sánh dòng nhạc này với dòng nhạc khác chỉ qua hoạt động nào đó, như hoạt động băng đĩa chẳng hạn. Tuy nhiên, đây cũng là hiện tượng thú vị”.
Theo ông Long, công chúng lâu nay đón nhận bolero bởi dòng nhạc này đi vào lòng người nghe, có tầm phổ quát trong công chúng đại chúng. “Bolero đã định hình trong thẩm mỹ âm nhạc của người Việt từ lâu. Có thể thấy ở việc dân ca Việt Nam rất gần gũi với bolero khi cùng mang âm điệu trữ tình, có chủ đề về sinh hoạt sản xuất, đời sống hằng ngày… Bởi vậy, bolero chiếm được tình cảm của đông đảo người nghe, trong đó có tầng lớp bình dân”, nhà nghiên cứu âm nhạc này bày tỏ.
Ông Long cho rằng hát nhạc thính phòng, nhạc đỏ, dân gian, hay bolero… đều cần yếu tố quan trọng nhất là cảm xúc và quên đi yếu tố kỹ thuật chi phối. “Chẳng hạn như Lan Anh, những kỹ thuật hát thính phòng đã rất cao rồi, đến mức nằm trong con người, trong máu của cô. Bởi vậy, khi hát bolero, cô không phải “nhớ” những kỹ thuật cơ bản như hơi thở hay vị trí âm thanh. Giọng hát sẽ vang lên một cách tự nhiên cùng cảm xúc người hát”, ông Long nói.
Việc nhiều nghệ sĩ dòng nhạc khác thực hiện album bolero, theo ông Long, sẽ giúp họ đưa giọng hát của mình đến nhiều đối tượng khán giả hơn, nhất là trong phân khúc không phải khán giả truyền thống. “Tuy vậy, quan trọng nhất là mỗi sản phẩm đều cần có cái riêng của nghệ sĩ”, ông Long bày tỏ.
Cái riêng, theo ông Long, được thể hiện trong cách hát cũng như hòa âm. Chẳng hạn, nhiều ca khúc trong album Con đường xưa em đi của ca sĩ Lan Anh có hòa âm pha một chút blue jazz, hay đưa vào chút nhạc lofi, cũng như sử dụng dàn dây trong giao hưởng. Các bản phối trong album Tình ca qua thế kỷ của Hà Trần kết hợp giữa nhiều dòng nhạc như jazz, Latin, semi, classic, acoustic…
Nhiều nghệ sĩ thể hiện cái riêng hay “làm mới” bolero không ít lần gây tranh cãi, nhưng chính sự dũng cảm “xoay dòng” đã tạo nên thành công cho họ. Chẳng hạn Lệ Quyên làm đĩa Mắt biếc gồm những ca khúc trữ tình khi vẫn còn là giọng ca nhạc trẻ và album chưa được đón nhận nhiều. Nhưng chỉ sau vài năm, dòng nhạc bolero đã tạo ra hướng đi riêng cho Lệ Quyên.
Tin liên quan
Tin hay đừng bỏ lỡ