Ca sĩ Thanh Tuyền (tên thật là Phạm Như Mai, sinh ngày 29 tháng 10 năm 1948) là một ca sĩ nhạc vàng thành danh tại miền Nam Việt Nam từ trước năm 1975 và sau này vẫn tiếp tục nổi tiếng ở hải ngoại.
Trước 1975
Từ mùa hè năm 1964 cho đến đầu năm 1965, tên tuổi Thanh Tuyền nổi lên trên các đài phát thanh của Việt Nam Cộng Hòa, một phần do giọng hát thiên phú, một phần do giám đốc hãng dĩa Continental là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã dồn mọi nỗ lực trong việc lăng xê dòng suối trong của Đà Lạt này trên báo chí cũng như trên đài phát thanh, nên từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu người ta cũng nhắc nhở tới tên Thanh Tuyền nhưng rất ít được nhìn thấy tận mắt. Cô góp mặt lần đầu tiên trong một chương trình nhạc của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương trên đài truyền hình và liên tục trong nhiều chương trình khác. Lúc đó khán thính giả mới biết đến hình ảnh của Thanh Tuyền.
Vào năm 1966, khi Thanh Tuyền về cộng tác với hãng đĩa Asia (tức Sóng Nhạc) qua sự giới thiệu của cha nuôi là nhạc sĩ Mạnh Phát thì cô mới thật sự vút cao với "Đà Lạt Hoàng Hôn" và nhất là "Nỗi Buồn Hoa Phượng". Dù cộng tác với nhiều hãng đĩa khác nhau, nhưng Thanh Tuyền vẫn có sự thỏa thuận với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là vẫn tiếp tục thu thanh một số nhạc phẩm cho hãng đĩa của ông. Lúc đó cô chỉ thu đĩa và hát cho đài phát thanh vì chưa đủ 18 tuổi để hát ở vũ trường. Năm 19 tuổi, Thanh Tuyền mới bắt đầu đặt chân vào hát tại các vũ trường. Đầu tiên là vũ trường Tự Do của ông Ngô Văn Cường. Sau đó một thời gian, cô sang cộng tác với chương trình Hoàng Thi Thơ tại vũ trường Maxim's. Cô được khán thính giả khắp nơi mến mộ dành tặng cho danh xưng Tiếng hát chuông vàng khánh ngọc, Bà hoàng Nhạc Vàng, Nữ hoàng Bolero và đặc biệt được sự ái mộ của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu.
Từ năm 1967 - 1968 Thanh Tuyền hát song ca cùng ca sĩ Chế Linh rất thành công đã trở thành một hiện tượng được nhắc đến nhiều nhất vào thời gian đó và cho đến ngày nay vẫn được mọi người ngưỡng mộ. Hiện tượng này cũng được tạo dựng nên bởi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vào thời kỳ Chế Linh đang cộng tác với hãng đĩa Continemtal của ông. Vì muốn có sự thay đổi và nhất là tránh cho thính giả nhàm chán với những nhạc phẩm đơn ca nên ông đã đưa ra sáng kiến là để Thanh Tuyền song ca với Chế Linh. Đĩa hát đầu tiên trong đó có nhạc phẩm "Hái Hoa Rừng Cho Em" của Trương Hoàng Xuân được tung ra thị trường và trở thành "ăn khách" một cách không ngờ. Những hãng đĩa khác sau đó đã tiếp tục khai thác cặp đôi song ca này.
Năm 1972, Thanh Tuyền đoạt 2 giải Kim Khánh là nữ ca sĩ được yêu thích nhất và album được yêu thích nhất trên tờ báo Trắng Đen do độc giả bình chọn. Khi cất tiếng hát lên là biết ngay đến Thanh Tuyền không lẫn vào đâu được bởi chất giọng đặc biệt, cách luyến láy bolero rất riêng, rất lạ, đẳng cấp của một diva. Cô hát theo lối hát bạch thanh, giọng cao vút, ngân nga, trầm bổng.
Sau 1975
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Thanh Tuyền ở lại Việt Nam và tiếp tục sinh hoạt văn nghệ với Đoàn kịch nói Kim Cương. Năm 1978, Thanh Tuyền cùng gia đình di cư đến Hoa Kỳ và định cư ở Washington rồi đến Houston, Texas.
Thanh Tuyền đã tổ chức liveshow biểu diễn đặc biệt kỷ niệm 50 năm ca hát vào ngày 21/12/2012 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. Tuy nhiên vì dính dáng đến bộ băng "ASIA 71" mà chính quyền Việt Nam cho là "phản động", bà đã bị cấm biểu diễn ở Việt Nam trong 3 năm từ 2013 đến 2016. Ngày 29/7/2016, Thanh Tuyền được cấp phép biểu diễn trở lại và bà đã tổ chức liveshow đêm nhạc Thanh Tuyền "Tình một ngày cũng trăm năm" tổ chức ngày 15/12/2016 tại thành phố Hồ Chí Minh vì lí do sức khỏe nên đã hủy bỏ. Và đến đầu năm 2017, Thanh Tuyền lần đầu tiên nhận lời mời làm giám khảo một chương trình trong nước với tên gọi Tình Bolero hoan ca (do Đài truyền hình Vĩnh Long tổ chức).
Thanh Tuyền, Chế Linh đã trở lại sau 5 năm không sánh bóng cùng nhau trong Liveshow Con đường xưa em đi ngày 2/11/2017 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Sở hữu giọng hát với âm sắc bẩm sinh phù hợp với dòng nhạc bolero như được đo ni đóng giày nên với Thanh Tuyền, cô càng hát “sến” bao nhiêu khán giả lại càng mê mẩn bấy nhiêu. Vì cái “sến” của cô không hề giả tạo, gượng ép, cứng nhắc như nhiều ca sĩ sau này, mà vẫn luôn tràn ngập cảm xúc cũng như sự mùi mẫn, đa cảm.
Cô sở hữu chất giọng soprano trữ tình thuần túy cao vun vút (full lirico soprano) với một âm sắc tròn trịa ở quãng trung và vô cùng rực rỡ ở quãng cao. Hơn 53 năm đi hát, Thanh Tuyền đã thể hiện trình độ nhạc lí cũng như thanh nhạc qua các thể loại khác nhau: nhạc vàng, trữ tình, bolero, dân ca, nhạc ngoại quốc và tất cả đều để lại một dấu ấn rực rỡ. Bao nhiêu năm đi hát là có biết bao nhiêu ca khúc gắn liền với tên tuổi bà: Nỗi buồn hoa phượng (Thanh Sơn), Không bao giờ quên anh (Hoàng Trang), Đôi ngã chia ly (Khánh Băng), Chiều mưa biên giới (Nguyễn Văn Đông), Dấu chân kỉ niệm (Thúc Đăng), Chuyện buồn ngày xuân, Biển tình, Gửi người ngàn dặm, Chuyến đò vĩ tuyến (Lam Phương), Giấc ngủ cô đơn (Lê Dinh & Anh Bằng), Mưa chiều kỉ niệm, Biển mặn, Chiếc áo bà ba, Chuyện hẹn hò, Đồn vắng chiều xuân, Chuyện tình Mộng Thường, Hàn Mặc Tử (Trần Thiện Thanh), Chuyến đi về sáng (Trần Thiện Thanh & Thúc Đăng).