Bolero Việt Nam là một điệu nhạc có nguồn gốc Tây Ban Nha du nhập sang Mỹ Latinh rồi du nhập vào Việt Nam từ cuối thập niên 1950. Điệu Bolero được sử dụng phổ biến nhất trong các bài nhạc vàng tại miền Nam Việt Nam.
Vì được sử dụng phổ biến nhất trong các ca khúc dòng nhạc vàng, điệu Bolero bị nhầm lẫn với khái niệm nhạc vàng (dùng hoán chuyển như tên gọi thay thế cho nhau). Nhiều người xem nó như một dòng nhạc riêng biệt và thường gọi là dòng nhạc Bolero hoặc dòng nhạc trữ tình - Bolero.
Đặc điểm quan trọng của những bài hát viết bằng thể điệu Boléro ở Việt Nam là:
- Hầu hết các bài hát theo điệu boléro đều mang đậm chất dân ca, chủ yếu dân ca của Nam Bộ, rất ít ca khúc thính phòng hoặc nhạc nhẹ
- Giai điệu cấu trúc đơn giản, tiết tấu đều đều, chậm, thường là nhịp 4/4, ít biến đổi nhịp, ít quãng cao, dễ hát, khi hát thường luyến láy, cho mềm mại và mùi mẫn, không thích hợp lối hát châu Âu
- Lời ca bình dân, có nhiều vần và dễ thuộc, dễ nhớ, đa số là kể chuyện... (đặc điểm thường thấy nhưng không phải đặc trưng riêng của nhạc bolero mà trong nhạc phổ thông nói chung)
Các đặc điểm như tính quần chúng, tính khái quát, tính tự sự, tính buồn cũng thường thấy trong các ca khúc theo điệu bolero nhưng không phải đặc trưng mà có thể thấy ở rất nhiều các bài hát theo các điệu khác.
Tại Việt Nam, điệu boléro du nhập vào miền Nam Việt Nam vào khoảng thập niên 1950, lúc phong trào tân nhạc Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ; nhiều nhạc sĩ bắt đầu sử dụng nhạc điệu phương Tây thay cho nhạc điệu phương Đông truyền thống. Không có tài liệu nào cho biết chính xác bài đầu tiên là bài gì, tuy nhiên nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho rằng bài Duyên quê của Hoàng Thi Thơ có thể là bài đầu tiên. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Trần Thị Vĩnh Tường lại cho rằng bài boléro đầu tiên ở Việt Nam là bài Xóm đêm của Phạm Đình Chương. Theo nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thì "Người đầu tiên nghĩ ra boléro là Lam Phương rồi Trúc Phương" và "Bolero của Việt Nam khác Bolero của Tây Ban Nha hay Nam Mỹ ở chỗ Boléro Việt Nam rất chậm".[1] Nhạc theo điệu bolero cũng có thể hát theo điệu khác như rhumba, hay chachacha.
Cứ thế, nhiều ca khúc miền Nam viết theo điệu boléro lần lượt ra đời. Từ thập niên 1960 đến thập niên 1970 là những năm đỉnh cao của giai điệu này. Lúc đó rộ lên phong trào "Thời trang nhạc tuyển" mà những bài nhạc boléro được được thâu một cách đại trà vào băng cassette hoặc đĩa vinyl. Một số ca khúc tiêu biểu là Những đồi hoa sim (Dzũng Chinh phổ thơ Hữu Loan), Tàu đêm năm cũ, Nửa đêm ngoài phố (Trúc Phương), Thành phố sau lưng (Hàn Châu), Áo em chưa mặc một lần (Hoài Linh), Xuân này con không về (Trịnh Lâm Ngân), Đêm buồn tỉnh lẻ (Bằng Giang - Tú Nhi), Vòng nhẫn cưới, Đêm lang thang, Không giờ rồi (Vinh Sử), Hoa sứ nhà nàng của Hoàng Phương.
Hiện tại, boléro Việt Nam vẫn đang được nhiều tầng lớp dân chúng yêu thích và phát triển. Nhiều nhạc sĩ sáng tác trước 1975 tiếp tục sáng tác mạnh như Anh Bằng, Đài Phương Trang, Giao Tiên, Nhật Ngân, Thanh Sơn, Tú Nhi (Chế Linh), Vinh Sử... Bên cạnh đó các nhạc sĩ trẻ cũng đang tiếp nối với chủ đề tình yêu, âm hưởng dân ca Nam Bộ như Lê Minh, Sơn Hạ, Hồng Xương Long, Minh Vy, Tô Thanh Sơn, Thái Hoàng, Hà Sơn... nhưng rất ít bài theo điệu boléro nguyên thủy, đây là đặc điểm khác giai đoạn trước. Sự sáng tạo chủ yếu nằm trong lối hát hay hòa âm. Đôi khi các bài bolero hay được hòa âm và hát theo phong cách nhạc jazz, nhạc pop, nhạc rock hay theo phong cách thính phòng, cổ điển.
Từ năm 2013 đến năm 2018, hàng loạt chương trình truyền hình hát nhạc theo điệu Bolero hay nhạc có nguồn gốc điệu Bolero xuất hiện. Tuy nhiên có chương trình dù rõ ràng mang tên Bolero nhưng lại lồng ghép nhạc dân ca, nhạc Làn Sóng Xanh, thậm chí cả... nhạc đỏ.[2] Những nhà sản xuất có khi quy chụp tất cả nhạc vàng là "nhạc Bolero" (mặc dù có bài "nhạc vàng" có khi viết theo điệu khác). Điều này gây nhầm lẫn trầm trọng tới người xem.
Người sáng tác
- Anh Bằng
- Anh Việt Thu
- Anh Việt Thanh
- Bảo Thu
- Bằng Giang
- Châu Kỳ
- Duy Khánh
- Dzũng Chinh
- Đài Phương Trang
- Đỗ Kim Bảng
- Giao Tiên
- Hoài Linh
- Hoàng Thi Thơ
- Hoàng Trang
- Hoàng Phương
- Hoàng Trọng
- Hà Phương
- Hàn Châu
- Hồng Vân
- Huỳnh Anh
- Khánh Băng
- Lam Phương
- Lê Dinh
- Lê Minh Bằng
- Lê Mộng Bảo
- Mạnh Phát
- Mặc Thế Nhân
- Minh Kỳ
- Nhật Ngân
- Ngân Giang
- Phạm Thế Mỹ
- Song Ngọc
- Thanh Sơn
- Trần Thiện Thanh
- Tô Thanh Tùng
- Trần Trịnh
- Trầm Tử Thiêng
- Trịnh Lâm Ngân
- Trúc Phương
- Tú Nhi
- Tuấn Hải
- Tuấn Khanh
- Vinh Sử
- Y Vân
Ca sĩ tiêu biểu
- Hải ngoại
- Duy Khánh
- Nhật Trường
- Hùng Cường
- Chế Linh
- Thanh Thúy
- Hoàng Oanh
- Thanh Tuyền
- Tuấn Vũ
- Phương Dung
- Hương Lan
- Sơn Tuyền
- Giang Tử
- Thái Châu
- Như Quỳnh
- Phi Nhung
- Trường Vũ
- Mạnh Quỳnh
- Mạnh Đình
- Quang Lê
- Đan Nguyên
- Mai Thiên Vân
- Băng Tâm
- Phương Diễm Hạnh
- Tâm Đoan
- Hà Phương
- Hương Thủy
- Đặng Thế Luân
- Thế Sơn
- Y Phụng
- Duy Trường
- Hà Thanh Xuân
- Hạ Vy
- Huỳnh Phi Tiễn
- Bảo Tuấn
- Tường Nguyên
- Tường Khuê
- Hoàng Thục Linh
- Ngọc Ngữ
- Mai Quốc Huy
- Trong nước
- Cẩm Ly
- Ngọc Sơn
- Lệ Quyên
- Dương Ngọc Thái
- Đình Văn
- Chế Thanh
- Quốc Đại
- Vũ Duy
- Ngô Quốc Linh