Lộc Vàng: Quay sang bolero, chả thà đừng hát còn hơn
Đăng lúc 16:09 - 13/05/2020

Lộc Vàng tên thật là Nguyễn Văn Lộc. Ngày xưa, những tình khúc của Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Nguyễn Văn Thương, Dương Thiệu Tước, Phạm Duy… đều bị qui thành nhạc “vàng”. Nhạc “vàng” từng có thời kỳ bị hắt hủi, ghẻ lạnh, Lộc Vàng cũng từng bị vào tù vì chỉ vì hát “Chuyển bến” của Đoàn Chuẩn.

Vì yêu quí Đoàn Chuẩn nên cả khi bị ngồi tù, Lộc Vàng vẫn quyết không khai ai là tác giả của “Chuyển bến”. Chuyện cũ đã lùi vào dĩ vãng, những tình khúc bị cấm đoán một thời đã được trả lại đúng giá trị và tác giả của những tình khúc ấy được tôn vinh một cách xứng đáng. Còn người nghệ sỹ từng vào tù vì những tình khúc đẹp đẽ, bay bổng ấy nay đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Ông vẫn ra sức bảo vệ và làm sống dậy dòng nhạc tiền chiến, cho dù để làm được điều này, ông đã phải bán nhà, từ nhà to tới nhà nhỏ và bây giờ không còn nhà để bán. Lộc Vàng đang sống cùng với con và vẫn đi hát nhạc “vàng”.

Những ngày dịch COVID-19, ông sống ra sao?

Lộc Vàng: Tôi vẫn bình thường, ở nhà một mình, chứ biết làm sao được.

 

Lộc Vàng: Quay sang bolero, chả thà đừng hát còn hơn - ảnh 1
 
 
Lộc Vàng trên sân khấu do chính ông bỏ chi phí duy trì 

Ở tuổi này, ông còn đi hát không?

Lộc Vàng: Có. Tôi chỉ hát một tối duy nhất, tối thứ 7, ở 46 An Dương, Tây Hồ, Hà Nội. Đó là một nhà hàng ăn. Người ta cho tôi mượn một tuần một tối để biểu diễn ở đó, tôi tự thuê từ nhạc công tới ca sỹ và trả tiền cho họ.

Chắc lỗ là chính phải không thưa ông?

Lộc Vàng: Ừ, vì sang bên này vắng khách hơn quán cà phê Lộc Vàng của tôi ngày trước. Không đông khách thì mình phải chấp nhận thôi. Khán giả chủ yếu là người già, lứa cổ. Giới trẻ thì ít lắm. Cơ bản là chúng phải có tri thức, phải “tiêu hóa” được dòng nhạc ngày xưa.

Bị lỗ thường xuyên mà ông vẫn duy trì? Làm cách nào để duy trì? Hay ông có “đại gia” hỗ trợ?

Lộc Vàng: Ừ, thì tôi làm cho vui thôi. Làm được đến đâu thì làm. Cứ nhặt nhạnh, ai cho đồng nào lại dành để làm. Tuần có một tối thôi mà. Chẳng có “đại gia” nào chống lưng cả. Việt kiều cũng chỉ nghe danh thì đến nghe hát, người ta nghe xong thì người ta về chứ. Chẳng có Việt kiều nào đỡ đầu cả.

 

Lộc Vàng: Quay sang bolero, chả thà đừng hát còn hơn - ảnh 2
 
 
Một trong những tuyệt phẩm được Lộc Vàng xử lí thành công 
 

Nhưng dòng nhạc xưa đang sống dậy cơ mà? Ông có tham khảo cách người ta lôi kéo khách đến với dòng nhạc xưa không?

Lộc Vàng: Đúng là nhạc xưa sống dậy nhưng nhận thức của lớp trẻ chưa tới được. Sân khấu của tôi là đỉnh cao, không ai bằng. Bọn trẻ nghe ào ào. Có khi chúng đến để vui, chứ không phải đến để nghe.

Sao ông không thử chuyển sang hát bolero, có lẽ sẽ đông khán giả hơn?

Lộc Vàng: Ấy, để tôi phân tích cho mà nghe. Mỗi một đẳng cấp, mỗi một nhận thức của một con người thích hợp một dòng nhạc khác nhau, bây giờ tôi quay sang hát nhạc bolero thì rẻ tiền lắm, tôi không hát. Chả thà tôi không hát nữa còn hơn.

Chẳng lẽ ông chỉ thủy chung với dòng nhạc tiền chiến, không có một ca khúc nào mới lọt mắt xanh của ông?

Lộc Vàng: Thời gian gần đây tôi thích “Niệm khúc cuối” và bài “Đi tìm kỷ niệm”. Hai bài này đi sâu vào kỷ niệm của tôi.

Theo đánh giá của ông, ca sỹ trẻ nào hát nhạc tiền chiến ổn?

Lộc Vàng: Ca sỹ trẻ tôi không nghe. Với lại các bạn ấy hát hỏng, âm sắc phát âm không rõ, phần hồn không rõ. Phát âm như tôi mới gọi là chuẩn.

 

Lộc Vàng: Quay sang bolero, chả thà đừng hát còn hơn - ảnh 3
 
 
Không tập thể dục thể thao, chưa bỏ thói quen hút thuốc lá, song Lộc Vàng vẫn giữ được giọng ca đẹp với thời gian 

Để hát dòng nhạc tiền chiến tốt, tiêu chí nào cần và đủ?

Lộc Vàng: Tiêu chí cần nhất là giọng thật. Và anh thả hồn vào bản nhạc đó, lôi người nghe về thời điểm đó, lôi người nghe vào khung cảnh đó nhưng khung cảnh đó ở Hà Nội không còn nữa rồi.

Bây giờ ông có hối tiếc vì từng ngồi tù 8 năm chỉ vì mê nhạc tiền chiến?

Lộc Vàng: Tôi chỉ tiếc nhận thức xã hội đi muộn quá. Bây giờ mới tôn vinh dòng nhạc này. Đáng lẽ tôi phải được khôi phục danh dự mới đúng.

Thì ông đã được công nhận là một trong những người hát nhạc tiền chiến hay nhất đó thôi, cũng tạm xem như  một sự “khôi phục danh dự”. Xin hỏi, nhạc phẩm tiền chiến nào để lại ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc trong ông?

Lộc Vàng: Ôi, nhiều lắm. Mỗi một nhạc sỹ có một vài bài. Thí dụ, bài “Chuyển bến” cũng là bài kỷ niệm. Hồi trẻ tôi thích bài này sau đó tôi cũng bị ra tòa luận tội vì bài này. Nhưng bây giờ thì thấy đó “Chuyển bến” được hát công khai và yêu thích rồi. Các tác phẩm của Đoàn Chuẩn tôi đều thích và thuộc hết.

Ông ước mơ gì trong quãng đời còn lại của mình?
Lộc Vàng: Tôi chỉ mang tiếng hát và dòng nhạc này lưu lại để mọi người thấy được giá trị của nền tân nhạc Việt Nam.

Ông tin vào sức sống bất diệt của dòng nhạc tiền chiến?
Tôi rất tin, nếu nói đến tân nhạc Việt Nam thì dòng nhạc tiền chiến là đỉnh cao nhất

 

Lộc Vàng: Quay sang bolero, chả thà đừng hát còn hơn - ảnh 4
 
 
Cố nhạc sỹ Đoàn Chuẩn từng yêu quí và đánh giá cao giọng hát của nghệ sỹ Lộc Vàng 

Nghệ sỹ Lộc Vàng làm thế nào để giữ được giọng hát qua thời gian vẫn không thay đổi?

Lộc Vàng: Thì đấy là do tự tôi thôi. Ăn uống kiêng, giữ gìn sức khỏe nên giọng hát của tôi giờ vẫn thế. Từ bé đến giờ tôi không biết tập thể dục, từ bé đến giờ cũng chả biết viên thuốc nào vào người hết cả. Tôi lên sân khấu có thể hát 8-10 bài một lúc. Sức khỏe vẫn tốt. Năm nay tôi đã 75 tuổi rồi.

Top 15 Ca sĩ Bolero nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay

Dòng nhạc Bolero - dòng nhạc trữ tình luôn nhận được sự yêu thích từ mọi tầng lớp dân chúng. Âm điệu Bolero vang lên ...

Ca sĩ Huỳnh Thật

Huỳnh Thật tên đầy đủ là Huỳnh Văn Thật. Anh là nam ca sĩ khá mới mẻ tại làng giải trí Việt được đông đảo ...

Ca sĩ Duy Khánh

Duy Khánh (1936) tên thật là Nguyễn Văn Diệp, quê ở Quảng Trị. Ông nổi danh từ thập niên 1960, với những bài hát của Phạm ...

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (12 tháng 6 năm 1942 – 13 tháng 5 năm 2005) là một trong những nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng nhất giai đoạn trước 1975

Ca sĩ Thanh Tuyền

Ca sĩ Thanh Tuyền (tên thật là Phạm Như Mai, sinh ngày 29 tháng 10 năm 1948) là một ca sĩ nhạc vàng thành danh tại miền Nam Việt Nam từ trước năm 1975 và ...

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng (1937 - 2000) là một nhạc sĩ người Việt của dòng nhạc vàng và tình ca giai đoạn 1954 - 1975 tại miền Nam Việt Nam.

Ca sĩ Phương Diễm Hạnh

Tuy tuổi nghề rất ngắn ngủi, nhưng Phương Diễm Hạnh đã làm được những chuyện mà ca sĩ nào cũng ít nhiều mơ ước đến.

Ca sĩ Ngọc Sơn

Ngọc Sơn (sinh ngày 26 tháng 11 năm 1968) là một ca sĩ, nhạc sĩ người Việt Nam. Anh được biết đến với biệt danh là "ông hoàng nhạc sến" hay "Michael Ngọc ...
Xem thêm Xem thêm
Scroll