Nhạc sĩ Lam Phương
Đăng lúc 10:59 - 03/03/2018

Một tập nhạc gồm 110 ca khúc của nhạc sỹ Lam Phương được phép lưu hành tại VN vừa phát hành trên cả nước. Đây cũng là lần đầu tiên nhạc sỹ thổ lộ về những người đã đi qua đời ông để làm nên từng tình khúc trong tập sách ấy.

Trước khi bắt đầu câu chuyện về tình yêu mà từ lâu nhạc sỹ cất giữ trong tim, ông đã dành cho Thanh Niên cuộc trò chuyện.
Sức khỏe của ông hiện thế nào? Gần đây nhạc sĩ có sáng tác thêm bài mới không, thưa ông?
Tôi năm nay yếu hơn nhiều rồi, đi lại rất khó khăn, chủ yếu là ngồi xe lăn nên từ lâu không còn sáng tác nữa vì sức khỏe không cho phép. Nhạc phẩm sau cùng của tôi có tựa đề Hạnh phúc mang theo. Sau đó, theo lời khuyên của bác sỹ, tôi không còn sáng tác tiếp.
Khán giả VN vẫn mong được đón ông trở về với hàng loạt chương trình đang đợi, ông có thể về được không?
Trong lòng tôi lúc nào cũng nghĩ về quê hương. Tôi muốn về để được thắp một nén nhang lên mộ của mẹ mình, nhưng vẫn chưa về được vì sức khỏe không cho phép.
Trong tập sách Nhạc sỹ Lam Phương - 110 ca khúc trữ tình, lãng mạn lần đầu tiên được phát hành tại Việt Nam, ông muốn gửi gắm vào cuốn sách ấy nhiều nhất là gì, thưa nhạc sỹ?
Cảm ơn nhà xuất bản đã cho phát hành một tập san âm nhạc với 110 nhạc phẩm của tôi, qua đó những đứa con tinh thần của Lam Phương sẽ được nhiều người biết đến hơn nữa. Nếu trong thời gian tới được cấp phép, tôi sẽ có thêm rất nhiều bài hát gửi đến mọi người. Tôi mong được khán giả hâm mộ nhạc Lam Phương đón nhận. Xin được cảm ơn Báo Thanh Niên và mọi người đã luôn nhớ đến tôi. Tôi rất vui và hạnh phúc về điều đó.
 
Những bóng hồng trong đời nhạc sỹ
Trước câu hỏi của người viết: “Rất nhiều người thắc mắc phải chăng nhạc sỹ Lam Phương yêu rất nhiều và khổ vì yêu cũng rất nhiều nên mới có những bài “đau” đến tận cùng tim gan như thế. Ông có thể bật mí những câu chuyện tình yêu hay các bóng hồng đã làm mình khổ đau lẫn hạnh phúc để viết lên từng bài hát bất hủ?”, nhạc sĩ đã thổ lộ lòng mình. Đây là lần đầu tiên ông cho phép chúng tôi được nhắc tên những người đã đi qua đời mình bằng cách này hay cách khác.
Người đầu tiên mang đến cho ông cảm xúc lớn để “chờ em, chờ đến bao giờ” (Chờ người) chính là danh ca Bạch Yến. Lúc đó bà tròn 19 tuổi, đã “hớp hồn” chàng trai 24 tuổi Lam Phương. Nhưng ông “đau” hơn khi bà sang Pháp rồi sau đó sang Mỹ. 10 năm khi bà trở về cảm xúc ngày xưa bỗng trỗi dậy. Nhưng như lời ông nói thì lần ra đi thứ 2 của Bạch Yến sang Mỹ mới thấm và khổ hơn để ông viết: Thu sầu, Tình bơ vơ, Trăm nhớ ngàn thương, Tình chết theo mùa đông, Tiễn người đi…
 
 
Nhạc sĩ Lam Phương kể chuyện tình - ảnh 1

 

Nhạc sĩ Lam Phương cùng ca sỹ Lệ Quyên (phải) tại Mỹ 
ẢNH: BẾN THÀNH AUDIO VIDEO CUNG CẤP
Một bóng hồng khác mang đến cho ông quá nhiều khổ đau lẫn hạnh phúc là ca sỹ Minh Hiếu. Bạn bè ông bảo, nhờ Minh Hiếu nên chúng ta mới có nhiều bài hát mà những người đang yêu hay thao thức vì nhau: “Em ơi suốt đêm thao thức vì em/Vì lời giã từ lúc anh ra về…”. Bài hát này đến giờ mọi người vẫn gọi Thao thức vì em. Tuy nhiên, theo tác giả, tên chính xác Em là tất cả mới đúng. Ông kể tiếp, trong một buổi văn nghệ tại Nha Trang (Khánh Hòa), sau khi chương trình kết thúc, hai người đã cùng nhau đi dạo trên một bãi biển thật đẹp. Đó là buổi gặp gỡ theo ông lãng mạn nhất để viết: “Đời anh sẽ đẹp vì có em/Ngày dài sẽ làm mình nhớ thêm/Biển xanh cát trắng sóng hòa nhịp ái ân/Không còn những chiều bâng khuâng” (Biển tình). Nghe đoạn “sóng hòa nhịp ái ân” nhiều người suy đoán… phải chăng họ đã “có gì” trong một đêm lãng mạn như thế. Nhưng không, nhạc sĩ kể họ chỉ “nằm nghe sóng vỗ” và… không có chuyện gì hơn!
Cuộc đời ông sau đó từng có mối tình say đắm với ca sĩ Hạnh Dung. Bài Bọt biển hay Giọt lệ sầu ông viết cho Hạnh Dung khi chuyện tình yêu của họ rơi vào bế tắc. Lúc tâm trạng tuyệt vọng ông viết Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi rồi Lạy trời con được bình yên… Nhưng nhắc đến nhạc Lam Phương không thể không kể: “Thành phố buồn nhớ không em/Nơi chúng mình tìm phút êm đềm” (Thành phố buồn). Bài hát được nhạc sĩ nhớ lại, đó là lần ông đi công tác Đà Lạt (Lâm Đồng) nhưng không có Hạnh Dung bên cạnh (bởi Đà Lạt với họ có quá nhiều kỷ niệm). Vì nhớ người yêu trong một khung cảnh lãng mạn giữa phố núi sương mù trong ngôi nhà trọ be bé mà ông… rút ruột viết lên Thành phố buồn.
Với bài Phút cuối mà quá nhiều người yêu mến, nhạc sĩ bảo đó là lúc ông ra công tác ngoài Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu). Vào một đêm cuối cùng mọi người họp mặt nhau để chia tay nhóm ca sĩ về Sài Gòn, trong đó có Hạnh Dung. Giây phút lưu luyến ấy đã làm ông viết lên: “Chỉ còn gần nhau một giây phút thôi/Một giây nữa thôi là xa nhau rồi”. Viết cho Hạnh Dung còn có bài Chuyện buồn ngày xuân khi ông phải chia tay người yêu đến Mỹ.
Nhạc Lam Phương vốn buồn và khổ đau. Song có một giai đoạn ông đổi phong cách tươi vui và nhìn đời, nhìn tình yêu màu hồng. Hỏi ra đó là lúc ông yêu một cô gái mà báo chí thời đó gọi là “giai nhân” Cẩm Hường. Tình yêu ngọt ngào giúp ông viết lên Bài tango cho em, Chỉ có em, Mùa thu yêu đương, Thiên đàng ái ân… Ông bảo đó là lúc mình như “phục sinh” trong tình yêu lẫn cuộc sống. Nhưng cuối cùng họ vẫn chia xa để ông viết Tình vẫn chưa yên. Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến bài hát mà ông dành cho vợ mình - kịch sĩ Túy Hồng ca khúc Ngày hạnh phúc, và sau đó đến Lầm khi hai người chia tay nhau.
Nhạc sĩ Lam Phương có gia tài âm nhạc đồ sộ với hơn 200 nhạc phẩm trong suốt 65 năm sự nghiệp. Đặc biệt, ông còn sáng tác nhạc nền cho đoàn kịch nói Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng… và sáng tác ca khúc cho đoàn kịch Túy Hồng.
Nhạc sĩ Lam Phương, tên thật Lâm Đình Phùng (80 tuổi, hiện sống ở Mỹ), sinh tại Rạch Giá, Kiên Giang. Tập sách Nhạc sĩ Lam Phương - 110 ca khúc trữ tình, lãng mạn chủ đề Thuyền không bến đỗ do NXB Văn hóa dân tộc, nhà sách Thị Nghè ấn hành, thông qua Bến Thành Audio Video (giữ tác quyền tác giả).
Nhân dịp này, được sự chấp thuận của nhạc sĩ Lam Phương cùng Bến Thành Audio Video (đơn vị độc quyền nhạc Lam Phương 6 năm qua tại VN), các đơn vị tổ chức sẽ thực hiện 3 đêm nhạc: Lam Phương - Cho em quên tuổi ngọc (lúc 20 giờ ngày 25.8 tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội) với các nghệ sĩ: NSND Lê Khanh, Mạnh Đình, Việt Thắng, Lê Trinh, Ánh Tuyết, Hằng Nga, Kiên Trung, Tôn Sơn, Trần Quỳnh, Kim Chi...; Lam Phương tuyệt phẩm - Live concert Thành phố buồn (với 30 sáng tác tiêu biểu nhất sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 16.9 tại Cung văn hóa Hữu nghị, Hà Nội) với các ca sĩ: Giao Linh, Khánh Hà, Lưu Bích, Bảo Yến, Ngọc Sơn, Nguyễn Hưng...; Những tình khúc Lam Phương bất hủ (lúc 21 giờ ngày 23.9 tại phòng trà We, TP.HCM) với tiếng hát Thái Châu cùng các ca sĩ: Thùy Dương, Hạnh Nguyên, Phạm Phương, Hoàng Nguyên, Thụy Long, Tiến Vinh...

Top 15 Ca sĩ Bolero nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay

Dòng nhạc Bolero - dòng nhạc trữ tình luôn nhận được sự yêu thích từ mọi tầng lớp dân chúng. Âm điệu Bolero vang lên ...

Ca sĩ Huỳnh Thật

Huỳnh Thật tên đầy đủ là Huỳnh Văn Thật. Anh là nam ca sĩ khá mới mẻ tại làng giải trí Việt được đông đảo ...

Ca sĩ Duy Khánh

Duy Khánh (1936) tên thật là Nguyễn Văn Diệp, quê ở Quảng Trị. Ông nổi danh từ thập niên 1960, với những bài hát của Phạm ...

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (12 tháng 6 năm 1942 – 13 tháng 5 năm 2005) là một trong những nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng nhất giai đoạn trước 1975

Ca sĩ Thanh Tuyền

Ca sĩ Thanh Tuyền (tên thật là Phạm Như Mai, sinh ngày 29 tháng 10 năm 1948) là một ca sĩ nhạc vàng thành danh tại miền Nam Việt Nam từ trước năm 1975 và ...

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng (1937 - 2000) là một nhạc sĩ người Việt của dòng nhạc vàng và tình ca giai đoạn 1954 - 1975 tại miền Nam Việt Nam.

Ca sĩ Phương Diễm Hạnh

Tuy tuổi nghề rất ngắn ngủi, nhưng Phương Diễm Hạnh đã làm được những chuyện mà ca sĩ nào cũng ít nhiều mơ ước đến.

Ca sĩ Randy

Ca sĩ người Mỹ gốc Việt Randy sinh năm 1971, rất nổi tiếng với dòng nhạc vàng từ đầu thập niên 1990.
Xem thêm Xem thêm
Scroll