Tối 1/7, bà tái ngộ khán giả TP HCM sau 5 năm trong show Như một lời chia tay - nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm sáu thập niên ca hát. Chọn chiếc áo dài màu nâu, bà cho biết đó là món quà chồng quá cố - ông Nguyễn Hoàng Đoan - mua tặng hơn 20 năm trước nhưng chưa một lần mặc. Khi mở tủ đồ, thấy áo dài, Khánh Ly nhớ đến câu hát của Trịnh Công Sơn: "Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau". Danh ca nói trở về quê hương bằng tấm lòng trân trọng, nâng niu hồi ức, đáp tạ tình cảm của khán giả trong và ngoài nước.
Trước khi đêm nhạc diễn ra, Khánh Ly trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: hoang mang, lo âu. Quá lo cho chương trình, bà đổ bệnh, mắc chứng rối loạn tiêu hóa, may mắn được bác sĩ điều trị kịp thời ở bệnh viện vài ngày trước. Vì lịch trình di chuyển nhiều, bà cho biết có lúc tự nhủ: "Chắc không thể tiếp tục được nữa". Bà cũng sợ khi nghĩ đến chuyện tuổi tác. Chiều qua, khi tập dượt ở sân khấu, danh ca nhớ những người thân đã bỏ bà đi trong hai năm đại dịch, rồi ngẫm đến mình. "Hai năm nữa thôi, tôi sẽ bước sang tuổi 80, tuổi lão. Nghĩ đến thế tôi đã thấy lạnh cả người. Tôi không bao giờ nghĩ mình có thể đứng trên sân khấu đến lúc này", Khánh Ly nói.
Danh ca gạt đi nỗi sợ khi nghĩ đến những người đang chờ bà trong đêm nhạc. Nhìn lại 60 năm vào nghề, danh ca biết ơn vì được yêu thương. Bà gọi khán giả là những người chia sớt cùng bà từng nụ cười, giọt nước mắt lẫn đồng tiền họ kiếm được, giúp bà sống với nghề đến hôm nay. Ngày trở lại, bà lang thang khắp con phố Lê Thánh Tôn (quận 1) để hồi tưởng ký ức về Trịnh Công Sơn. "Nhờ ông Sơn, tôi không chỉ thành danh mà còn thành nhân", ca sĩ nhắc lại một câu bà từng nói về ông. Show diễn cũng được tổ chức tại một địa điểm nằm trên con đường Lê Thánh Tôn, nơi năm xưa bà vô tình gặp lại Trịnh Công Sơn sau thời gian hai người chia tay ở Đà Lạt.
Suốt đêm nhạc, Khánh Ly tô màu hoài niệm bằng những tình khúc đã theo bà gần trọn đời ca hát. Bà dẫn lối khán giả về thời mới gặp Trịnh Công Sơn với liên khúc Tình xa, Diễm xưa, Còn tuổi nào cho em...
Ở tuổi 77, giọng hát Khánh Ly nhuốm màu thời gian, tuy vậy, bà vẫn giữ phong độ hát và diễn. Âm sắc khàn ấm với chất giọng thổ như "bắt nguồn từ đất khô" (Dấu chân địa đàng) vẫn chưa phôi phai. Có lúc, lối hát nói được bà vận dụng uyển chuyển, tạo những quãng lặng. Mỗi lần xuất hiện trên sân khấu, bà luôn cho thấy sự linh hoạt trong phong cách biểu diễn, khi nghịch ngợm, tương tác cùng đồng nghiệp trong tiết mục song ca, khi hoạt bát, lúc lại sâu lắng. Cùng ca sĩ Quang Thành - người biên tập chương trình, bà chọn những bản phối cũ như một ngụ ý - cùng khán giả sống lại một thời vang bóng.
Những tiết mục song ca cũng tròn đầy cảm xúc. Bà hát cùng nghệ sĩ Hồng Vân bài Tiếng sáo thiên thai (nhạc Phạm Duy, thơ Thế Lữ). Tiết mục gợi nhớ phần trình diễn kinh điển ngày nào trên sân khấu hải ngoại của Khánh Ly cùng đàn chị Lệ Thu. Song ca cùng Phương Hồng Ngọc liên khúc Nhìn những mùa thu đi - Nắng thủy tinh, bà bè đỡ, dìu dắt những lúc đồng nghiệp lúng túng, ngập ngừng. Hết tiết mục, bà đề nghị hát lại điệp khúc vì chưa thấy "đã".
Giữa dòng hồi tưởng, danh ca nhiều lúc xúc động, rưng rưng. Bà nhớ lại giai đoạn mới sang nước ngoài, đứt liên lạc với Trịnh Công Sơn. Ở quê nhà, nhạc sĩ nghe tin đồn bà qua đời. Ông viết ca khúc Rơi lệ ru người (còn có tên Thí dụ) tưởng nhớ bà rồi cất đi suốt 17 năm. Đến năm 1992, hội ngộ ở Canada, ông mới lấy ra tặng Khánh Ly rồi đàn, dạy bà hát. Nhạc sĩ nói, khi ông mất, nếu vẫn còn người nhớ đến ông, đến cạnh mộ và khóc, mảnh đất nơi ông nằm xuống sẽ nở hoa. Khánh Ly cho biết sau 30 năm, lần đầu tiên bà trình diễn ca khúc này tại TP HCM.
Danh ca khép lại đêm nhạc bằng bài hát chủ đề Như một lời chia tay. Khánh Ly từng băn khoăn nhiều lần khi chọn ca khúc làm tên tour diễn, vì sợ khán giả nghĩ bà giã biệt sự nghiệp. "Nếu tôi ra đi mà không kịp lời chào, show diễn này như lời chia tay của tôi. Chỉ là 'như' thôi, không phải chia tay thật, vì tôi sẽ ra đi lòng rất bình an", Khánh Ly nói.
Đêm nhạc níu chân hơn 300 khán giả tại sân khấu Idecaf từ 20h đến 23h. Đa phần khán giả thuộc độ trung niên - những người một thời thanh xuân sống cùng nhạc Trịnh và Khánh Ly. Họ nhiệt tình vỗ tay theo nhịp trong nhiều tiết mục, như khi Khánh Ly hát Chờ nhìn quê hương sáng chói - nằm trong chùm ca khúc Da vàng. Dù biết giọng bà không còn như xưa, nhiều người nói họ đến đêm nhạc chỉ để một lần được gặp Khánh Ly ngoài đời.
Dẫn theo người mẹ hơn 70 tuổi, Tuấn Nguyên (32 tuổi, quận Bình Thạnh) nói: "Giọng ca của bà vẫn làm tôi thỏa mãn, nhưng cách bà trò chuyện, lần giở từng ký ức với khán giả mới khiến tôi xúc động". Khán giả Ngọc Thuận (27 tuổi) nói tiếc vì Khánh Ly hát chưa nhiều, một số tiết mục khách mời tập dượt chưa kỹ, làm gián đoạn cảm xúc người xem.
Khánh Ly về nước làm tour diễn từ giữa tháng 6 đến nay. Hôm 25/6, bà hát ca khúc Gia tài của mẹ (Trịnh Công Sơn) trong show mở màn ở Đà Lạt. Đơn vị tổ chức sau đó bị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cảnh cáo do ca khúc không nằm trong danh mục bài hát được duyệt trong chương trình.
Sắp tới, Khánh Ly có hai concert khác vào ngày 8-9/7 ở Nhà hát Lớn, Hà Nội. Ngày 16/7, bà trở lại TP HCM cho đêm nhạc Mưa hồng ở quận 7. Danh ca dự kiến biểu diễn thêm ở Nha Trang, Đà Nẵng...
Ca sĩ Thanh Tuyền (tên thật là Phạm Như Mai, sinh ngày 29 tháng 10 năm 1948) là một ca sĩ nhạc vàng thành danh tại miền Nam Việt Nam từ trước năm 1975 và ...
Ngọc Sơn (sinh ngày 26 tháng 11 năm 1968) là một ca sĩ, nhạc sĩ người Việt Nam. Anh được biết đến với biệt danh là "ông hoàng nhạc sến" hay "Michael Ngọc ...