Phải nhìn nhận một điều là, hầu như các bài hát của ông có một sức thu hút mãnh liệt trong suốt hơn bốn chục năm qua và mãi cho đến ngày hôm nay ở bất cứ nơi nào có người Việt Nam đang sinh sống. Tài năng của ông thì vô cùng nổi trội, có thể nói là đạt đến đỉnh cao của nền âm nhạc mang âm hưởng miền Nam. Nhưng đời sống của ông thì lại trải qua quá nhiều bất hạnh và đau thương, khốn khổ cho đến tận những giờ phút cuối cùng.
Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiện Lộc. Ông sanh năm 1939 tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (Vĩnh Bình) ở vùng hạ lưu sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Cha ông là một nhà giáo sống thầm lặng và nghiêm khắc. Nhưng tâm hồn của chàng trai Thiện Lộc thì rất lãng mạn, yêu thích văn nghệ nên đã tự học nhạc, và bắt đầu sáng tác những bài hát đầu tiên lúc vừa 15 tuổi. Xung quanh nhà ông có trồng rất nhiều tre trúc, nên từ nhỏ ông đã yêu mến những âm thanh kẽo kẹt của tiếng tre va chạm với nhau và sau này đã chọn tên là Trúc Phương để nhớ về thời thơ ấu của ông với những cây tre trúc. Cuối thập niên 1950, ông sinh hoạt văn nghệ với các nghệ sĩ ở ty Thông Tin tỉnh Vĩnh Bình một thời gian ngắn, rồi lên Sài Gòn dạy nhạc và bắt đầu viết nhạc nhiều hơn. Bài hát “Chiều Làng Quê” được ông sáng tác vào thời gian này để nhớ về khung cảnh thanh bình ở làng xóm của ông ,một bài khác cũng rất nổi tiếng với giai điệu trong sáng, vui tươi là “Tình Thắm Duyên Quê”.
Không tiền bạc và không một ai thân quen ở đô thành Sài Gòn, ban đầu Trúc Phương ở trọ trong nhà một gia đình giàu có bên Gia Định và dạy nhạc cho cô con gái của chủ nhà. Không bao lâu sau thì cô gái này đã yêu chàng nhạc sĩ nghèo tạm trú trong nhà, vì con tim cô ta đã dần dần rung động trước tài năng của Trúc Phương. Biết được chuyện này, ba mẹ của cô gái bèn đuổi Trúc Phương đi nơi khác. Sau chuyện tình ngang trái này, Trúc Phương càng tự học thêm về âm nhạc và càng sáng tác hăng hơn. Nhưng những bài hát sau này lại nghiêng về chủ đề tình yêu đôi lứa với những nghịch cảnh chia lià.
Trúc Phương sáng tác rất dễ dàng, nhưng với bản tính trầm lặng, bi quan và khép kín sau những cuộc tình dang dỡ, những bài hát sau này của ông thường mang âm điệu u buồn, thê lương như phảng phất nỗi sầu của cổ nhạc miền Nam. Nổi tiếng nhất là “Nửa Đêm Ngoài Phố” với tiếng hát liêu trai Thanh Thúy. Sau đó là “Buồn Trong Kỷ Niệm” với những câu hát đớn đau, buốt nhói tim gan người nghe như “Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn. Đôi khi nhầm lẫn đánh mất ân tình cũ, có đau chỉ thế, tiếc thương chỉ thế. Khi hai mơ ước không chung lối về …”. Có người cho là bài hát này ông đã viết ra sau khi bị thất tình một cô ca sĩ lừng danh thời đó.
Nhạc của Trúc Phương có một giai điệu rất đặc biệt của riêng ông, mà khó lầm lẫn với người khác được.Nhạc của ông có âm hưởng cổ nhạc miền nam,Nó có vẻ trầm buồn, ray rức, ưu tư trước thời cuộc dạo đó (là chiến tranh triền miên) và buồn phiền vì những mối tình dang dở, trái ngang. Nên khi soạn hòa âm cho những bài hát của Trúc Phương, nhạc sĩ hòa âm phải sử dụng ít nhất là một trong vài loại nhạc khí cổ truyền của miền Nam như đàn bầu, đàn tranh, hay đàn cò (hoặc violon) thì mới có thể diễn tả hết cái hay của giòng nhạc Trúc Phương và người nghe lại càng thấm thía với nỗi muộn phiền, nhức nhối tim gan của ông sau này.
Điều trớ trêu là tuy tên tuổi và tài năng sáng chói, nổi bật so với những người viết nhạc thời bấy giờ, nhưng tình duyên của nhạc sĩ Trúc Phương thì vô cùng lận đận. Khoảng năm 1970, Trúc Phương được một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, cao sang đài các đem lòng yêu thương ông, do sự rung cảm truyền đạt từ tài năng và những tác phẩm tuyệt vời của ông. Kết cuộc là cả hai đã nên duyên chồng vợ. Tuy sống trong cảnh nghèo nàn, nhưng đời sống của họ rất là nghệ sĩ. Đó là những năm tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Trúc Phương và sức sáng tạo nghệ thuật của ông càng sung mãn hơn bao giờ hết với hàng chục bài hát ra đời mỗi năm. Nhưng niềm vui của đôi uyên ương này lại không kéo dài được lâu bền. Bởi vì sau một thời gian chung sống với nhau, những tình cảm ban đầu trở nên phai lạt dần theo năm tháng và hai người đã lặng lẽ chia tay nhau. Câu hát ngày nào lại rơi đúng vào trường hợp này “khi hai mơ ước đã không cùng chung hướng về” và “đường vào tình yêu có trăm lần vui, nhưng có vạn lần buồn” ? Giờ thì nhạc sĩ Trúc Phương âm thầm đau khổ trong cô đơn và lại vùi đầu vào men rượu để sáng tác thêm nhiều bài hát trong nỗi đau thương cùng cực, pha chút chán chường cho nhân tình thế thái.
Bạn bè thường gặp ông ngồi yên lặng bên những ly rượu nơi một quán nhỏ ở đường Tô Hiến Thành, quận 10, gần nhà của ông. Có lẽ đó là một cách làm cho nhạc sĩ tạm quên đi những cay đắng của tình đời. Đó cũng chính là lúc bài hát “Thói Đời” được sáng tác với những câu như “Bạn quên ta, tình cũng quên ta, nên chung thân ta giận cuộc đời, soi bóng mình bằng gương vỡ nát, nghe xót xa ngùi lên tròng mắt”… và “Người yêu ta rồi cũng xa ta … “Cỏ ưu tư” buồn phiền lên xám môi …”. Thực ra phải nói là “cỏ tương tư” tức “tương tư thảo” là tên gọi văn hoa của thuốc lá. Khi những người đang yêu nhau, nhớ nhau, hẹn hò nhau thì châm điếu thuốc thả khói mơ màng, nhìn rất thơ mộng và nghệ sĩ [ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần, anh nói khẽ gớm sao mà nhớ thế (Hồ Dzếnh)]. Nhưng đối với Trúc Phương trong “Thói Đời” thì điếu thuốc lá “cỏ tương tư” lại biến thành ra “cỏ ưu tư” làm cho đôi môi trở nên màu xám xịt qua những nỗi đau thương, nhung nhớ ngập tràn. Những giọt rượu nồng của cõi “trần ai” này lại càng gợi thêm “niềm cay đắng” để cho nỗi ưu tư “in đậm đường trần” và ông đã than thở “mình còn ai đâu để vui ? khi trót sa vũng lầy nhân thế ”?
Bài hát "Thói Ðời" đã gây xúc động cho hàng triệu con tim cùng chung số phận nghiệt ngã của cuộc đời. Với riêng bản thân Trúc Phương thì “Thói Đời” lại như là một lời tiên tri thật chính xác cho quãng đời còn lại của ông suốt gần 25 năm sau đó (1971-1995).
Sau năm 1975 thì sự nghiệp sáng tác nhạc của ông dừng lại, tất cả những ca khúc của ông đều bị cấm phổ biến và trình diễn.. Không có nghề nghiệp gì trong tay, ông làm đủ mọi việc để sinh sống.Với hai bàn tay trắng, ông trở về quê cũ sống nhờ vả bạn bè, mỗi nơi một thời gian ngắn. Có người hỏi sao ông không về quê ở hẳn với thân nhân, Trúc Phương đã trả lời “Má của tôi thì già yếu đang ở dưới quê Cầu Ngang (Trà Vinh), nhưng bà nghèo quá, lại phải nuôi đám cháu nheo nhóc, không đủ ăn … nên tôi không thể về đó để làm khổ cho bà thêm nữa .”
Ở dưới tỉnh nhà Trà Vinh với bạn bè xưa cũ một thời gian, Trúc Phương lại tìm đường về Sài Gòn. Ban ngày ông làm thuê, làm mướn đủ mọi thứ nghề và lang thang khắp nơi. Ông có tâm sự lại vài lời xót xa, nghẹn ngào, xúc động trên một đoạn video clip ngắn ngủi về đời sống của chính bản thân ông lúc đó như sau :
“Sau cái biến cố cuộc đời, tôi sống cái kiểu rài đây mai đó,”bèo dạt hoa trôi”…Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no…Tôi không có cái mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng mà khổ nổi hoàn cảnh họ cũng bi đát, cũng khổ, chứ không ai đùm bọc ai được…đến nửa lúc đó thì vấn đề an ninh có khe khắc, lúc đó thì bạn bè tôi không ai dám “chứa” tôi trong nhà cả, vì tôi không có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng có thứ gì trong người cả.Tôi nghĩ ra được một cách..là tìm nơi nào mà có khách vãng lai rồi mình chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ…Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì phải ra xa cảng thuê một chiếc chiếu, 1 chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng…thế rồi ngủ cho tới sáng rồi xếp chiếc chiếu trả người ta..thế là mình lấy 1 đồng về….như là tiền thế chân…Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng…Mà nói anh thương…khổ lắm….Hôm nào mà có tiền để đi xe lam mà ra sớm khoảng chừng năm giờ có mặt ngoài đó thế rồi thuê được chiếc chiếu trải được cái chỗ lịch sự chút tương đối vệ sinh một tí mà hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết rồi, những chỗ sạch vệ sinh họ chiếm hết rồi ,tôi đành phải trải chiếu gần chỗ “thằng cha đi tiểu vỉa hè”, thế rồi cũng phải nằm thôi.Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát…mà lẽ ra tôi nên buồn cho cái hoàn cảnh như thế nhưng tôi không bao giờ buồn …Tôi nghĩ mà thôi , còn sống cho tới bây giờ và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này..
Có thể nói rằng một điều là suốt mấy chục năm trời và cho đến hôm nay đã có rất nhiều ca sỹ , trung tâm băng nhạc, hãng đĩa đã thu âm, hát lại nhạc của ông, nhưng chắc chắn là ít có người đã biết tin ông âm thầm từ giã cõi đời trong cảnh nghèo nàn, bi đát và cô đơn trong căn phòng trọ tồi tàn, nhỏ hẹp ở quận 11, Sài Gòn vào ngày 18 tháng 9 năm 1995, tài sản của ông có được lúc đó chỉ là một đôi dép..
Nhạc Trúc Phương, bên cạnh những bản viết về quê hương,còn ghi lại biết bao cuộc tình lãng mạn ướt át nồng nàn.”Nửa đêm ngoài phố” lang thang, tình cờ làm quen một người con gái lạ, rồi để lòng vương vấn mãi: “Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời. Ðường phố vắng đêm nao quen một người..” hoặc “Trở lại chuyện hai chúng mình. Khi em với anh...” làm quen, hẹn hò cùng nhau đi tới mòn lối, khiến nó trở thành “Con đường mang tên em”. Cũng có những lúc cô đơn, rút về nhốt mình nơi nhà trọ, nhưng Ðêm gác trọ chỉ nói lên nỗi buồn bâng quơ có vương chút phấn chấn nhờ thể điệu Tango, mà TP ít khi dùng trong hầu hết các nhạc phẩm của mình. Rồi có lúc người yêu xưa tìm đến, cùng nhau ôn chuyện cũ, nhắc lại Chuyện ngày xưa, được ghi lại như sau: “Hôm nào em đến thăm, mà quên mang tiếng cười, lặng yên không nói. Hai mươi tuổi đời qua mất rồi.. (ÐK):Thôi em nhé, xin trả về niềm cô đơn trước, cho anh bước xuôi ngược, khi hai chúng mình, vòng tay trót buông xuôi, dù gặp nhau ta cúi mặt bước mà đi ”
Tâm hồn TP như luôn vương vấn điều gì u uất cho nên hầu hết nhạc ông lúc nào cũng có âm điệu buồn buồn. Ta thử ca lại vài bài nhạc tình khác, như Buồn trong kỷ niệm: “Ðường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn. Ðôi khi nhầm lỡ đánh mất ân tình cũ...(đoạn kế) Mình vào đời nhau lúc môi còn non, tuổi mộng vừa tròn. Hương thơm làn tóc, nước mắt chưa lần khóc.Ðến nay thì đã, đắng cay nhiều quá. Thơ ngây đi mất trong bước buồn giờ mới hay..” Dường như hình ảnh người tình trong nhạc TP không phải là của một người, nhưng tất cả đã xa. “Ai cho tôi tình yêu, của ngày thơ ngày mộng.Tôi xin dâng vòng tay mở rộng, để đón người đi vào tim tôi bằng môi trên bờ môi..” Thế nhưng không biết đã yêu thương được bao lâu thì TP lại “Xin giã biệt bạn lòng ơi, trao trả môi người cười. vì Hai lối mộng hai hướng trông. Mình yêu nhau chưa trót. Thì chớ mang nỗi buồn theo bước đời. Cho dù chưa lần nói...thì đành xa nhau. Ðể chốn nao với chiều mưa gió lộng. Ta dừng vui bến mộng... Bao lần đi, gối mõi chân mòn. Tâm tư nặng vai gánh, đường trần cho đến nay, chỉ còn, bờ mi khép kín. Giấc ngủ nào tìm quên? Giấc ngủ nào gọi tên?.” Ðôi khi ông có chút cay đắng cho Thói đời, vì Người yêu ta rồi cũng xa ta nhưng không oán trách người mà chỉ than thân một mình. Những Chiều cuối tuần đã xa: “Hôm nao tôi lên đường phố cũ, chiều xưa, lần hẹn hò. Trao nhau, niềm vui cuối tuần...” Trên gác nhỏ, cô đơn, trằn trọc: “Ðêm chưa ngủ, nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt rơi. Gác nhỏ đèn le lói bóng dáng ai trên tường loang...” Trong lúc Mưa nửa đêm: “Ai biết ai vì đời, cùng ngược xuôi chung lối mòn. Ngày tôi hai mươi tuổi, em đôi tám trăng tròn. Ðêm lạnh còn nghe chăn gối lẽ nằm thao thức...” nhớ về Bóng nhỏ đường chiều, chỉ còn là kỷ niệm: “Ta đến nơi hẹn hò, cùng gặp nhau trên phố nhỏ. Ta nhẹ dìu nhau trong tiếng thở..”
………………..Buồn vào hồn không tên.Thức giấc nửa đêm, nhớ chuyện xưa vào đời. Ðường phố vắng đêm nao quen một người. Mà yêu đương trót trao nhau trọn lời.- Ðể rồi làm sao quên. Biết tên người quen biết nẻo đi đường về. Và biết có đêm nao ta hẹn hò. Ðể tâm tư những đêm ngủ không yên.
Nửa đêm lạnh qua tim. Giữa đường phố hoa đèn. Có người mãi đi tìm. Một người không hẹn đến. Mà tiếng bước buồn thêm.-Tiếc thay hoài công thôi. Phố đã vắng thưa rồi. Biết rằng chẳng duyên thừa. Ðể người không gặp nữa. Về nối giấc mơ xưa..
Ngày buồn dài lê thê. Có hôm chợt nghe gió lạnh đâu tìm về. Làm rét mướt qua song len vào hồn. Làm khô môi biết bao nhiêu lần rồi.- Ðời còn nhiều bâng khuâng. Có ai vì thương góp nhặt ân tình này. Gởi giúp đến cố nhân mua nụ cười. Và xin ..ghi kỷ niệm một đêm thôi.
Các sáng tác nổi tiếng : Ai Cho Tôi Tình Yêu, Nửa Đêm Ngoài Phố, Thói Đời, Buồn Trong Kỷ Niệm, Mưa Nửa Đêm, Hai Chuyến Tàu Đêm, Chiều Cuối Tuần, Đêm Tâm Sự,…..và còn rất nhiều những sáng tác rất tuyệt vời.